Bảng phân loại tuổi – Nguyên nhân khiến phim Việt Nam tạch dịp Tết 2017?
“Bảng phân loại phim theo lứa tuổi” đã được các nhà làm phim Việt chỉ đích danh là thủ phạm gây nên thất thu khủng khiếp cho mùa phim Tết 2017. Một trong những ví dụ bức xúc nhất mà các nhà làm phim Việt Nam đang chia sẻ, là việc một bộ phim có nhiều cảnh sexual, bạo lực như “Tây Du Kí” lại được gắn nhãn P, trong khi đó nhiều phim Việt Nam “không có gì” lại bị gắn nhãn C13, C16. Việc bị gắn nhãn C13, C16 nghiễm nhiên sẽ làm hạn chế thành viên trong gia đình có trẻ em vào rạp chiếu, gây nên thất thu cho bộ phim.
Do mình không có thời gian để đi xem toàn bộ các phim công chiếu trong dịp Tết, nên để có thể biết được liệu Cục Điện Ảnh có dãn nhãn bừa phứa hay không, mình sẽ so sánh cách phân loại phim của Cục Điện Ảnh Việt Nam với 2 nước tương đồng với nền phim ảnh nước ta, đó là Singapore, đất nước mà Cục điện ảnh chọn làm tham chiếu xây dựng bản phân loại, và Hàn Quốc, khi thị phần rạp chiếu Việt Nam đang nằm trọn trong tay các ông lớn đến từ đất nước này.
Từ ngày 1/1/2017, Việt Nam có bảng phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi.
Theo đó, bảng tiêu chí đưa ra 4 mức phân loại phim: Mức P – phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng; C13 – cấm phổ biến đến khán giả dưới 13 tuổi; C16 – cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi; C18 – cấm phổ biến đến khán giả dưới 18 tuổi. Việc phân loại phim theo độ tuổi khác nhau sẽ dựa trên các tiêu chí: Chủ đề, ngôn ngữ, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy…
Được biết, Cục Điện ảnh đã phối hợp nhiều cơ quan xây dựng bảng tiêu chí trên trong suốt 3 năm.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng chia sẻ: “bảng phân loại phim này được làm dựa trên Bảng phân loại phim của Singapore. Mô hình phân loại phim của Singapore vừa cặn kẽ, vừa nghiêm, vừa mang tính chất Á Đông mà lại phù hợp với văn hóa Việt Nam”. Ngoài dựa trên bảng phân loại phim của Singapore, Cục Điện ảnh cũng tham khảo các bảng phân loại của Mỹ, Anh và Australia để hoàn thiện.
Dưới đây là danh sách các phim nước ngoài đang chiếu ở Việt Nam, và nhãn phân loại chúng:
Tây Du Ký – Mối Tình Ngoại Truyện
- Việt Nam: P
- Singapore: PG: Some Sexual References
Có thể thấy Cục điện ảnh đã “bám sát” cơ chế phân loại của Singapore khi đưa Tây Du Ký vào mức xếp hạng thấp nhất. Phía Sing đã đặt PG thay vì PG13 cho Tây Du Ký, đồng nghĩa với việc “mọi người đều xem được và trẻ con thì cần người lớn dắt”. Việt Nam clone tương tự luôn với nhãn P. Có trách thì trách là hệ thống phân loại của họ chi tiết hơn của mình thôi.
Kungfu Yoga
- Việt Nam: C13
- Singapore: PG13: Some Violence
Phía Sing để là PG13, có nghĩa là trẻ dưới 13 tuổi cần người lớn dắt vào. Việt Nam ăn chắc dập luôn nhãn cấm 13, xong việc.
xXx: The Return Of Xander Cage
- Việt Nam: C16
- Hàn Quốc: Giới hạn người trên 15 tuổi
- Singapore: PG13: Some Violence & Coarse Language
Bộ phim này thì khá lung tung. Việt Nam cấm người dưới 16 tuổi. Hàn Quốc cấm luôn người dưới 15 tuổi. Phía Sing vẫn để PG13 khá là tự do và thoải mái.
MY ANNOYING BROTHER
- Việt Nam: P
- Hàn Quốc: Giới hạn người trên 12 tuổi.
Một ví dụ về sự khó hiểu giữa phía Việt Nam và Hàn Quốc, khi đất nước sản xuất ra bộ phim “Anh tôi vô số tội” cương quyết là phim này dành cho người trên 12 tuổi, còn Việt Nam bật đèn xanh cho vào xem thoải mái.
Your Name
- Việt Nam: C13
- Hàn Quốc: Giới hạn người trên 12 tuổi.
Việt Nam và Hàn Quốc đều đồng ý là đám 12-13 tuổi không đủ trình xem Your Name. Sing thì chả thèm chiếu luôn.
Resident Evil: The Final Chapter
- Việt Nam: C18
- Hàn Quốc: Giới hạn người trên 19 tuổi
- Singapore: NC16: Violence
Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục đồng quan điểm, cái này là phim “người lớn”. Singapore dù thoáng hơn cũng áp mức NC16 vào phim.
Monster Trucks
- Việt Nam: P
- Singapore: PG
Thấy có gì lạ không? Việt Nam và Sing coi cái phim Monster Trucks này tương tự như phim Tây Du Ký trong việc đánh giá độ tuổi đấy.
The Great Wall
- Việt Nam: C13
- Singapore: PG13: Violence
Tương tự như Kungfu Yoga, khỏi bàn nhé.
Quan các ví dụ trên, có thể thấy mặc dù còn nhiều bất cập, nhưng ít ra, bảng phân loại tuổi của Cục Điện Ảnh đã làm đúng như cam kết của lãnh đạo Cục điện ảnh, đó là “dựa bảng phân loại tuổi của Singapore”. Do vậy, các nhà làm phim Việt nên rút kinh nghiệm, từ năm nay trở đi, cứ xem phim nội địa Singapore họ phân loại như nào, rồi áp dụng vào phim mình tương tự là đảm bảo an toàn.