Sau cơn mưa trời lại hửng hay câu chuyện hết nắng đến mưa

Giữa tháng Tám ủ dột, khi những “bom tấn” Việt đua nhau trở thành bom xịt ngay từ suất chiếu premiere, bộ phim “đa dạng thể loại” của đạo diễn Đồng Đăng Giao với cái tên ngắn gọn “Nắng” đã nhen lên niềm hi vọng cho một mùa phim cuối năm khởi sắc.

“Mẹ là Mưa, con là Nắng, hai mẹ con mình là màu hi vọng…”

Không chở theo quá nhiều tham vọng như Tấm Cám, càng không cần gồng mình trong một cốt truyện quá phức tạp như Găng tay đỏ, Nắng cứ hồn nhiên và vô tư đi trên con đường lớn và an toàn – theo công thức chưa bao giờ hết hot với phim thị trường Việt Nam: thể loại hài gia đình với những gương mặt ăn khách quen thuộc. Đây cũng là nguyên nhân chính lí giải cho mở màn thành công rực rỡ của bộ phim khi ngay trong ngày khởi chiếu, nó đã vượt qua những tên tuổi đình đám khác, trở thành cái tên phim Việt đứng đầu trong bảng xếp hạng doanh thu với hơn 250 triệu đồng.

Đã có những đồn đại bên lề xoay quanh việc cốt truyện chính của Nắng gợi liên tưởng đến bộ phim ăn khách một thời có tên Điều kì diệu ở phòng giam số 7 dẫn đến việc nó bị lùi lịch chiếu khá lâu (phim dự kiến ra mắt vào dịp 30/4, nhưng bị lùi lại tới cuối tháng Tám). Nhưng trên thực tế, Nắng đã chứng minh được nó không phải một phiên bản sao chép hay cóp nhặt ý tưởng. Nắng là chính nó, là một câu chuyện độc nhất vô nhị.

Trong bộ phim này, bạn sẽ thấy “hoa hậu hài” Thu Trang vào vai người mẹ bị thiểu năng tên Mưa, ngày ngày đi nhặt rác và bán vé số dạo cùng cô con gái láu lỉnh tên Nắng (do bé Kim Thư – “tiểu hồ ly” nổi danh sau Vietnam’s Got Talent), sẽ thấy Trấn Thành trong vai một gã đồng cô nhiễm HIV mất hết hi vọng sống, thấy Hoài Linh trong vai ông chủ quán hủ tíu tốt bụng, rồi cả Ninh Dương Lan Ngọc – cái tên hot nhất nhì làng giải trí hiện nay trong một vai phụ dịu dàng và đằm thắm… Bạn cũng sẽ thấy trong bộ phim này một cốt truyện phim giản dị mà hài hước, nhưng vẫn đủ sức chạm tới trái tim người xem vì tính chân phương của nó.

Hãy bắt đầu từ việc lí giải tại sao Nắng lại mang đến cho bạn cảm giác bình yên và tươi vui đến như thế trong nửa đầu tiên của bộ phim – khi mọi việc chỉ xoay quanh “câu chuyện trên cái sân thượng”. Đó phải chăng là thứ cảm giác an toàn được tạo dựng từ một góc nhỏ của Sài Gòn được tái hiện lại trên màn ảnh, với những con người đã bị xã hội bỏ quên, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh nhưng giàu lòng trắc ẩn? Mẹ Mưa, con Nắng, Lâm, Tuấn, thậm chí cả ông bán hủ tíu… họ đều là những mảnh đời chắp vá, tìm được nhau trong những phút giờ đen tối nhất của cuộc đời mỗi người: mất đi động lực sống, chờ đợi một ai đó sẽ không quay trở lại, quá yếu đuối để có thể tự bảo vệ được mình…

Con người thường có xu hướng dễ dàng đồng cảm với những hoàn cảnh éo le, và xúc động với những tấm gương vượt khó. Một cách đơn giản và dễ hiểu nhất, đây chính là cách mà đạo diễn Đồng Đăng Giao và biên kịch của Nắng đã lấy được cảm tình của khán giả. Một câu chuyện cổ tích mặn chát vị nước mắt và những giọt mồ hôi nhọc nhằn, một câu chuyện kiểu “thiên hạ vô tặc”, nơi mà không có ai phải đóng vai kẻ ác. Một câu chuyện mà dù có xấu xa độc ác tới đâu, người ta vẫn có cơ hội để trở thành người tốt. Đó là thế giới trong nửa đầu của bộ phim – nhìn qua đôi mắt của cô bé Nắng.

Ở nửa sau của bộ phim – bị phân tách một cách kì quặc với nửa trước về cả thể loại và cách biểu đạt bằng hình ảnh, là câu chuyện (tạm coi là) qua góc nhìn của “mẹ Mưa”. Sở dĩ 45 phút còn lại của bộ phim lại được mô tả là “sự phân tách kì quặc”, bởi sự chuyển hướng mạch phim đã tạo ra một khoảng trống trong nhịp điệu – giống như quảng cáo xuất hiện giữa hai tập phim truyền hình. Một khoảnh khắc trước, bạn còn đang lơ lửng trong câu chuyện nửa mơ nửa thực về những con người đang tìm lại sự cân bằng và ý nghĩa cho cuộc sống của họ, mọi người đều hạnh phúc và vui vẻ trong một bữa tiệc sinh nhật đơn sơ, thì chỉ sau một cú cắt cảnh chóng vánh, họ bị ném vào giữa một vụ buôn lậu ma túy, và chuẩn bị bước vào 45 phút phim được dàn dựng theo lối hành động điều tra – phá án.

Khán giả yêu mến thể loại phim hài – tình cảm hẳn sẽ quyến luyến với nửa đầu của bộ phim, với những màn đưa đẩy của Trấn Thành (và cả lối diễn xuất cường điệu như thể phim tình cảm Hàn Quốc những năm 2000 của anh), sự thay đổi uyển chuyển trong tâm lí của nhân vật Lâm do anh thủ vai trong suốt bộ phim, hay tình mẫu tử trong veo của hai mẹ con Mưa – Nắng. Trái lại, những khán giả thích một cái gì đó kịch tính và mới mẻ chắc chắn sẽ nhìn nhận nửa đầu phim này là một sự “vào đề” dài dòng thảm họa, còn nửa sau là một cố-gắng-ban-đầu-đã-mang-lại-kết-quả-tốt.

Biến cố được đưa vào phim quá muộn màng và quá đột ngột khiến cốt truyện thống nhất của kịch bản bị đứt làm đôi, mà mỗi nửa 45 phút đều có thể tự nó tồn tại như một bộ phim độc lập, và tất cả trải nghiệm điện ảnh của bạn chỉ là xem liên tiếp hai tập của hai bộ phim truyền hình khác nhau tình cờ có chung nhân vật chính. Có tham vọng và sẵn sàng thể nghiệm là một điều tốt, nhưng trong trường hợp của Nắng, việc lồng ghép quá nhiều câu chuyện lại trở thành sự tham lam đầy đáng tiếc. Phần tình cảm hài hước đầu phim cũng hay, phần điều tra phá án ở khúc sau cũng hay, nhưng ở bên cạnh nhau, chúng lại là hai mảng bố cục khó hòa hợp. Cái nào cũng quá to, và cái nào cũng xứng đáng được làm trọng tâm của bộ phim. Kết quả, không có một “trọng tâm” cụ thể nào được tập trung vào trong suốt cả bộ phim, trừ thông điệp về tình mẫu tử thiêng liêng.

Không chỉ tham lam về mặt tình tiết, biên kịch của Nắng còn tiếp tục thể hiện họ là những người tham lam trong xây dựng nhân vật. Không chỉ quá sa đà chỗ này chỗ kia trong những tuyến truyện song song, họ còn cho ra đời quá nhiều nhân vật bên lề. Tiêu biểu nhất cho kiểu nhân vật này phải kể đến bà chủ vựa đồng nát của nghệ sĩ Phi Phụng hay ông chủ quán hủ tíu của Nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh. Trong suốt bộ phim, những nhân vật này không hề di chuyển khỏi bối cảnh họ được đặt vào, vì dường như bên ngoài những địa điểm cố định ấy, sự tồn tại của họ hay sức ảnh hưởng của họ lên mạch phim chỉ tựa như một cơn gió thoảng. Những nhân vật bên lề này xuất hiện trong bộ phim chỉ với hai mục đích: 1) Chứng minh cho người xem thấy rằng Sài Gòn vẫn còn rất nhiều những con người hào sảng và nhân hậu như thế, 2) Gây dựng thêm danh tiếng cho bộ phim.

Nói ví von, thì giống như hết nắng đến mưa, bộ phim đã đi từ chỗ hài hước trong sáng đến bi kịch giật gân. Đó là một hành trình mà người xem bị ném khỏi thế giới an toàn mà chỉ vài phút trước họ còn đang đắm chìm một đầy thô bạo, cùng chính các nhân vật trong bộ phim trải nghiệm cảm giác giận dữ và bất lực khi đột ngột bị cướp mất khoảng yên bình (không mấy) ngắn ngủi ấy. Sự đối lập giữa hai trạng thái yên bình và bất an, giữa một bên là những con người tìm mọi cách đấu tranh để bảo vệ những giá trị bình yên với một bên là những kẻ không mảy may xót thương đến nó tạo ra những cảm xúc mãnh liệt trong những phút cuối của bộ phim. Hơn cả những phút hạnh phúc ban đầu, bi kịch của sự bất lực ấy chính là điểm lấy đi nước mắt của những khán giả với trái tim nhạy cảm.

Tạm chấp nhận cốt truyện với sự thống nhất trong xung đột, bỏ qua những chi tiết kiểu “Cái quái gì thế này?”, hay những thắc mắc đầy bảo thủ kiểu “Tại sao ăn mày mặc sang dữ? Tại sao con bé đi ăn xin mà béo tốt quá vậy?…”, thì Nắng là một bộ phim nên xem, đáng xem, và sẽ khiến bạn rơi nước mắt. Đây có thể không phải một bộ phim hài hước, không phải một bộ phim tâm lý tình cảm, nhưng nó có những khoảnh khắc đáng nhớ mà trong đó, nỗi tuyệt vọng giống như một biểu hiện chói sáng của tình yêu thương chân thành.